Cuộc trò chuyện lý thú về tiếng Việt

Theo báo tuổi trẻ Tp HCM

về trang chủ

TT - Một cuộc trò chuyện lý thú về ăn nói và viết lách. Một bộ sưu tập công phu về ngôn từ và diễn đạt. Một cẩm nang bổ ích trong học tập và sử dụng tiếng Việt...
Tất cả đều góp mặt trong một cuốn sách dày hơn 400 trang: Từ câu sai đến câu hay (tác giả: GS TS Nguyễn Đức Dân).

Bốn cuốn sách đã xuất bản trong tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp của NXB Trẻ - Ảnh: Thuận Thắng

Cuốn sách lôi cuốn và hấp dẫn người đọc bằng những luận giải có hệ thống, khoa học mà đơn giản, kèm những dẫn chứng thực tế, sinh động từ kho ngữ liệu phong phú chuyện Đông và Tây, chuyện xưa và nay... Nhiều trang sách sẽ khiến chúng ta phải giật mình, có lúc phải bật cười, khi nhận ra hằng ngày có thể chúng ta đã vô tình nói hoặc viết ra những câu gây "chết người"! Kiểu như: "... thái độ quyết tâm cao chống tệ nạn buôn lậu của chính phủ" (đúng ra phải là quyết tâm cao của chính phủ). Kiểu như: "ai thật sự là cha ruột của người cha ra đời ngoài giá thú của hắn?" (quá khó hiểu)... Đọc câu sau đây dẫn từ trong sách, ai cũng thấy rõ có khi một lỗi morasse sẽ đẩy mọi thứ đi rất xa: "Nhìn vào sơ yếu lý lịch của cố đạo Alexandre de Rhodes ta thấy nhiều điều đáng kính nể: người Pháp, gốc Do Thái, sinh 1591, mất 1660, vào Đảng trong năm 1624 ..." (thật ra là: vào Đàng Trong năm 1624).
Vấn đề là ai cũng có thể viết sai, nói sai, từ ông tổng thống Mỹ đến cô ca sĩ Việt: không biết nên sai đã đành, biết rồi vẫn có thể sai, kể cả những câu vô tình, những lời vô duyên... Mà chuyện "sai trái" này có mặt ở khắp nơi, trên quảng cáo, trên bài viết, trên truyền hình, đến cả từ điển, sách giáo khoa, sách hướng dẫn làm văn, sách nghiên cứu về ngôn ngữ, thậm chí đề thi tuyển sinh đại học! Vì sao sai? Sai như thế nào? Cách sửa ra làm sao? Sách đều có bàn đến.
Nhưng có khi câu mơ hồ còn gây "hậu quả nghiêm trọng" hơn cả những câu sai. Dẫn ra nhiều câu mơ hồ khác nhau, sách đồng thời lại xác nhận: nói mơ hồ cũng là thuật hùng biện, viết mơ hồ cũng là một vũ khí ngoại giao, một phương thức của văn học nghệ thuật. Vậy, khi nào mơ hồ là sai, khi nào mơ hồ lại hay? Sách đều có bàn đến. Và hơn thế nữa, bày cho độc giả một cách dễ hiểu những "chiêu thức" sáng tạo câu hay, cách diễn đạt hay trong tiếng Việt.
Từ câu sai đến câu hay chứa nhiều kiến thức có hệ thống và những quy định cần biết về tiếng Việt, rất bổ ích và thiết thực cho giáo viên và sinh viên, học sinh, cho các nhà báo, nhà văn, dịch giả, biên tập viên, cho cả các cơ quan truyền thông đại chúng... Đồng thời còn nêu lên nhiều vấn đề về chính sách ngôn ngữ cần được quan tâm giải quyết: chuẩn hóa, phiên âm hay chuyển tự tên riêng nước ngoài, dạy từ Hán - Việt cho học sinh như thế nào...
Ai là người đầu tiên diễn đạt kiểu "X (động từ) như chưa bao giờ được X", "Có một Y (danh từ) như thế!" và câu chuyện khuôn sáo trên báo chí: Một thoáng + (địa danh), Nghề X cũng lắm công phu, X - con dao hai lưỡi, Thấy gì qua..., Mặt trái của... Hiện tượng cái sai để lâu lại hóa đúng: từ cách dùng một số từ Hán - Việt như bằng tốt nghiệp (đúng phải là tất nghiệp), thống kê (thống kế), chung cư (chúng cư), trụ sở (trú sở)... đến kiểu diễn đạt dư thừa - cây đại thụ, đường quốc lộ, người nông dân... Hiện tượng "những từ thời thượng": làm chủ tập thể (sau Đại hội Đảng IV), đổi mới tư duy, hộp đen và đầu vào, đầu ra (nửa cuối thập niên 1980), kinh tế trang trại, cổ phần hóa, thị trường chứng khoán, nền kinh tế tri thức... (sau Đại hội Đảng VII), còn hiện nay là: tầm nhìn, tái cơ cấu và điện tử - chính phủ điện tử, quốc hội điện tử, cử tri điện tử, công dân điện tử với thẻ căn cước thông minh...
Như một cuộc đắm mình trong thế giới chữ nghĩa, tác giả đã gọi ra nhiều hiện tượng thú vị, độc đáo của tiếng Việt, khiến chúng ta càng thêm hiểu và càng thêm mong muốn viết và nói đúng, viết và nói hay tiếng Việt!

Thú chơi chữ
Ngoài Từ câu sai đến câu hay vừa ra mắt và hai cuốn đang được lưu hành: Nỗi oan thì, là, mà (Nguyễn Đức Dân), Đi tìm bản sắc tiếng Việt (Trịnh Sâm), bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của NXB Trẻ cũng vừa tái bản công trình Thú chơi chữ của PGS Hồ Lê và Lê Trung Hoa.
"Chơi chữ ở nước nào cũng có, nhưng đa dạng và phong phú như ở Việt Nam thì phải nói là hiếm thấy", ngay trong chương mở đầu của tập sách Thú chơi chữ, PGS Hồ Lê (một trong hai tác giả của tập sách này) đã nhận định như vậy. Bởi lẽ, như PGS Hồ Lê nhận định: "đặc điểm cơ bản của cấu trúc tiếng Việt là tính phân tiết (khả năng đọc và nói từng tiếng một), người Việt có nhiều cơ hội để "chơi chữ".
Và 14 chương sách còn lại chính là những phân tích, dẫn chứng cho nhận định này. Ấy là chơi chữ bằng cách nói lái (thưa cô rằng, răng cô thừa), bằng cách đảo từ, đảo ngữ (51 cách tạo câu từ năm từ sao, bảo, nó, không, đến), dùng hiện tượng đồng âm (đầu gối đầu gối, tay cầm tay cầm), điệp âm, điệp vần (Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt/Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương), hay nhại câu, nhại bài (từ từ châm ngôn mà sáng tạo nên từ châm chích ngôn, hay ca dao thành ca dao... cạo). Đó còn là những cách như dùng từ đồng nghĩa hoặc nghịch nghĩa, xóa chữ, chiết tự, tách từ, dùng tục ngữ, ca dao, Truyện Kiều...
Hơn thế nữa, Thú chơi chữ còn giới thiệu rất nhiều câu đố, câu đối, bài thơ cùng với những giai thoại, những chuyện làng văn để lý giải tại sao trò chơi chữ đã từ lâu trở thành thú chơi chữ, thú chơi trí tuệ, thể hiện trí thông minh, tài liên tưởng nhanh, nhạy, thâm thúy, sắc sảo của người Việt, qua đó làm cho tiếng Việt thêm phần giàu đẹp.
"Nhâm nhi" Thú chơi chữ để học cách chơi chữ khi có dịp cũng là một cách thưởng thức ngày tết đầy tao nhã vậy!
ANH CHI

DUYÊN TRƯỜNG